Những năm gần đây, loãng xương và gãy xương do loãng xương dần trở thành vấn đề quan trọng đối với tình trạng sức khỏe cộng đồng. Đối với loãng xương nguyên phát, sách “ Hoàng đế nội kinh tố vấn” từ sớm đã có luận bàn về bệnh chứng liên quan. Theo quan điểm y học cổ truyền, loãng xương thuộc chứng “yêu thống”, “cốt thống”.
Phòng bệnh loãng xương theo y học cổ truyền như thế nào?
Phương pháp phòng bệnh loãng xương có hiệu quả nhất của y học cổ truyền là tự xoa bóp, tập khí công – dưỡng sinh hàng ngày. Ngoài ra, một chế độ ăn uống hợp lý cũng có thể hỗ trợ phòng chống bệnh.
Xoa bóp bấm huyệt: Giúp các cơ vận động thụ động, duy trì sức mạnh cơ bắp, gián tiếp duy trì mật độ và sức mạnh của xương.
Khí công – dưỡng sinh: Tập 20-30 phút/ngày bằng những bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình thể phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cá nhân giúp cơ thể thư giãn, tinh thần thoải mái, từ đó mà duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Đồng thời, tập khí công dưỡng sinh ngoài trời buổi sáng cũng có tác dụng giúp cơ thể tăng tổng hợp vitamin D, từ đó mà ngăn ngừa bệnh loãng xương.
Chế độ ăn: Cần chú ý đến các thức ăn giàu Calci như trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu, tôm, cua, cá,… Bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng tăng cường các thức ăn có nguồn gốc từ cá, gan, sữa, nước cam, ngũ cốc. Sử dụng vừa phải lượng đạm trong khẩu phần ăn vì sẽ làm tăng bài xuất Calci theo nước tiểu. Người bệnh tăng cường ăn các loại rau củ như: mùi tây, bắp cải, cà chua, dưa chuột, tỏi,…cũng làm giảm hiện tượng mất xương và tăng chất khoáng trong xương.
Loãng xương là tình trạng bệnh đặc trưng bởi một khối lượng xương thấp tới mức làm cho xương trở nên giòn và gãy xương. Không nên để tới khi phát hiện ra tình trạng loãng xương mới điều trị mà nên dự phòng ngay khi còn nhỏ tuổi hoặc trung niên, nhằm làm giảm những ảnh hưởng tới sức khỏe do loãng xương gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE 1900571238