BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 8 NĂM 2023

BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 8 NĂM 2023

Khoa Dược xin trích dẫn thông tin thuốc cập nhật theo trang thông tin thuốc của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc – canhgiacduoc.org.vn

Hiệu quả dự phòng đột quỵ của aspirin liều thấp trên người cao tuổi

Thực trạng: Aspirin liều thấp đã và đang được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa đột quỵ nguyên phát và thứ phát. Hiện chưa rõ cân bằng lợi ích-nguy cơ giữa việc giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và việc tăng nguy cơ xuất huyết nội sọ ở người cao tuổi.

Mục tiêu: Đánh giá nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết nội sọ ở những người cao tuổi khỏe mạnh sử dụng liều thấp aspirin hằng ngày.

Thiết kế, bối cảnh và đối tượng thử nghiệm: Phân tích thứ cấp từ thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược khi dùng aspirin liều thấp hằng ngày trong việc giảm các biến cố ở người cao tuổi (ASPREE) được thực hiện trên những người trong cộng đồng ở Australia hoặc Hoa Kỳ. Người tham gia là những người cao tuổi không mắc bệnh tim mạch có triệu chứng. Người tham gia được đưa vào nghiên cứu từ năm 2010 đến 2014 và thời gian người tham gia được theo dõi có trung vị là 4,7 năm (khoảng tứ phân vị (IQR) là 3,6-5,7 năm). Phân tích này được hoàn thành trong gần 2 năm (từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2023)

Can thiệp : Aspirin 100 mg hàng ngày dạng viên bao tan ruột hoặc giả dược.

Chỉ tiêu lâm sàng: Đột quỵ và căn nguyên đột quỵ là chỉ tiêu lâm sàng phụ của thử nghiệm ASPREE. Các chỉ tiêu được đánh giá qua bệnh án.

Kết quả: Trong số 19114 người cao tuổi (10782 nữ [56.4%]; tuổi trung vị 74 [71,6-77,7]), 9525 người sử dụng aspirin và 9589 người sử dụng giả dược. Mức giảm tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ của aspirin so với giả dược là không có ý nghĩa thống kê (tỷ suất nguy cơ HR 0.89; khoảng tin cậy 95%: 0,71-1,11). Tuy nhiên, nghiên cứu ghi nhận aspirin làm tăng nguy cơ xuất huyết nội sọ, mức tăng có ý nghĩa thống kê so với nhóm giả dược (108 so với 79 người [1,1% vs 0,8%]; HR 1,38; 95% CI: 1,03-1,84). Biến cố xuất huyết dưới màng cứng, ngoài màng cứng và khoang dưới nhện xảy ra nhiều hơn ở nhóm aspirin so với giả dược (59 người [0,6%] với 41 người [0,4%]; HR 1,45; 95% CI: 0,98-2,16). Đột quỵ do xuất huyết nội sọ được ghi nhận ở 49 người [0,5%] sử dụng aspirin so với 37 người [0,4%] sử dụng giả dược (HR 1,33; 95% CI: 0,87-2,04).

Kết luận: Nghiên cứu này ghi nhận sự gia tăng đáng kể nguy cơ xuất huyết nội sọ, trong khi không có sự giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ khi dùng aspirin liều thấp hằng ngày. Phát hiện này đặc biệt liên quan đến những người cao tuổi có xu hướng xuất huyết nội sọ sau khi chấn thương vùng đầu.

          Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/ Hiệu quả dự phòng đột quỵ của aspirin liều thấp trên người cao tuổi.