BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 2 NĂM 2023

BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 2 NĂM 2023

TỔNG HỢP BÁO CÁO ADR NĂM 2022 TẠI BỆNH VIỆN ĐK VÂN ĐÌNH

Phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction – ADR):

“ Phản ứng có hại của thuốc là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý. Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ và sai sót trong trị liệu ”.

Tổng số báo cáo ADR trong năm 2022 của Bệnh viện từ các khoa phòng là 17 báo cáo. Các báo cáo ADR phần lớn đầy đủ thông tin, báo cáo trên phần mềm quản lý phản ứng có hại của thuốc của Sở Y tế. Khoa Dược đã bổ sung đầy đủ thông tin hơn trước khi gửi Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

Phân bố số báo cáo ADR theo mức độ nghiêm trọng:

TT Mức độ nghiêm trọng Số báo cáo ADR Tỷ lệ (%)
1 Không nghiêm trọng 8 47,1
2 Kéo dài thời gian nằm viện 3 17,6
3 Đe dọa tính mạng 6 35,3

Nhận xét: Trong 17 báo cáo có 6 báo cáo ở mức độ đe dọa tính mạng (chiếm 35,3%), trong đó: 03 báo cáo liên quan đến kháng sinh tiêm truyền; 01 báo cáo liên quan đến kháng sinh đường uống. 03 báo cáo kéo dài thời gian nằm viện (17,6%) đều liên quan đến kháng sinh tiêm truyền, 08 báo cáo mức độ không nghiêm trọng (47,1%) cũng liên quan đến kháng sinh tiêm truyền trong đó chỉ có 01 báo cáo liên quan đến siro đường uống.

Phân bố số báo cáo ADR theo nhóm thuốc:

TT Nhóm thuốc Số báo cáo ADR Tỷ lệ (%)
1 Kháng sinh 16 94,1
2 NSAID 1 5,9

 Nhận xét: Kháng sinh là nhóm thuốc có báo cáo ADR nhiều nhất chiếm 94,1% với 16 báo cáo; NSAID chỉ chiếm 01 báo cáo là dạng siro chứa Ibuprofen được chỉ định hạ sốt cho trẻ. Như vậy các báo cáo ADR chủ yếu là kháng sinh là nhóm thuốc nguy cơ cao xảy ra ADR.

Phân bố số báo cáo ADR theo nhóm kháng sinh:

Trong 16 báo cáo ADR về kháng sinh được phân bố vào các nhóm kháng sinh như sau:

TT Nhóm kháng sinh Số báo cáo ADR Tỷ lệ (%)
1 Betalactam 14 87,5
2 Quinolon 1 6,25
3 2,3 Kháng sinh phối hợp 1 6,25

 Nhận xét: Các báo cáo nhóm kháng sinh ghi nhận nhóm Beta lactam có số ADR nhiều nhất với 14 báo cáo, chiếm 87,5%; 01 báo cáo thuộc nhóm quinolone 6,25%  và 01 báo cáo ADR liên quan tới 2,3 kháng sinh, chiếm 6,25%.

Phân bố số báo cáo ADR theo đường dùng thuốc:

TT Đường dùng Số báo cáo ADR Tỷ lệ (%)
1 Tiêm, truyền tĩnh mạch 15 88,2
2 Uống 02 11,8

Nhận xét: phản ứng có hại xảy ra khi dùng thuốc theo đường tiêm, truyền tĩnh mạch chiếm tỷ lệ cao nhất là 88,2% với 15 báo cáo. Báo cáo ADR đường uống chỉ chiếm 11,8% với 02 báo cáo.

KIẾN NGHỊ:

Theo phản hồi của Trung tâm DI&ADR Quốc Gia Việt Nam như sau:

Gợi ý về cách xử trí với các loại phản ứng đã ghi nhận tại bệnh viện (cần áp dụng biện pháp xử trí riêng đối với từng trường hợp cụ thể):

– Đối với phản ứng dị ứng nhẹ trên da: để xử trí phản ứng, cần ngừng dùng thuốc nghi ngờ; cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống dị ứng đặc hiệu (glucocorticoid, thuốc kháng histamin H1…), thuốc chống bội nhiễm (nếu cần).

– Trong trường hợp bệnh nhân gặp phản ứng phản vệ, sốc phản vệ: để xử trí phản ứng, cần tuân thủ theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ do Bộ Y tế ban hành (chi tiết xin xem Thông tư 51/2017/TT-BYT về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ).

Khuyến cáo dành cho bệnh viện:

– Tiếp tục theo dõi bệnh nhân cẩn thận khi sử dụng thuốc để có biện pháp xử trí kịp thời (nếu cần) trong trường hợp xuất hiện phản ứng có hại.

– Trao đổi với các cơ sở khám, chữa bệnh khác để thu thập thêm thông tin về các trường hợp ADR liên quan đến thuốc và lô thuốc mà bệnh viện mình đang sử dụng.

– Tiếp tục báo cáo các trường hợp ADR được ghi nhận tại bệnh viện đến Trung tâm DI & ADR Quốc gia. 

Xử lý với trường hợp Sốc phản vệ:

  • Điều dưỡng và bác sĩ:

+ Tiến hành theo Phác đồ xử lý sốc phản vệ của Bộ Y tế.

+ Báo cáo ADR theo mẫu lưu khoa và báo cáo quét mã QR gửi Sở Y Tế.

+ Thông báo khoa Dược ADR xảy ra.

  • Dược sĩ dược lâm sàng: lên trực tiếp Khoa Phòng để tìm hiểu:

+ Đọc hồ sơ bệnh án của bệnh nhân

+ Tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân.

+ Kiểm tra chất lượng thuốc: vỏ thuốc, lô thuốc, hạn dùng, chất lượng thuốc theo cảm quan của điều dưỡng.

+ Hoàn chỉnh Báo cáo ADR và gửi ngay cho Trung tâm DI&ADR quốc gia

Khoa Dược – dược lâm sàng